Phan Thanh, anh là ai? – Phan Vịnh

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phan Thanh, nhằm tạo điều kiện cho bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của ông, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản cuốn “Phan Thanh, anh là ai?” của tác giả Phan Vịnh, người con trai đầu của Phan Thanh.

Phan Thanh sinh ngày 01/6/1908 tại làng Bảo An, con ông Phan Định và bà Lê Thị Tiếu, cháu nội cử nhân Phan Khắc Nhu.

Ông là một trí thức cách mạng nổi tiếng trong thời kỳ 1936-1939, của lịch sử cận đại Viêt Nam. Ông là một nhà báo lành nghề và lão luyện, một nhà hoạt động xã hội xuất sắc, một chính khách sắc sảo, hùng biện, dũng cảm trong đấu tranh công khai trên nghị trường để bảo vệ quyền lợi của quần chúng lao động và các dân tộc Đông Dương.

Xin trân trọng giới thiệu Lời nói đầu trong cuốn sách “Phan Thanh, anh là ai?” của tác giả Phan Vịnh, thay lời giới thiệu sách

LỜI NÓI ĐẦU

 

Cha tôi mất khi mẹ tôi 30 tuổi, em tôi lên hai, tôi khoảng bảy, tám tuổi. Tuổi ấy đủ để có thể lưu nhận trong tôi mươi hình ảnh về ông nhưng chưa đủ để tôi hiểu gì về người sinh ra mình.

Được đọc đoạn trích trong báo cáo Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản có nhắc đến Phan Thanh, thấy nhiều người gặp tôi hay nói về cha tôi, tôi cảm nghĩ ở ông phải có điều gì đó đặc biệt làm nhiều người tỏ ra kính phục và ngưỡng mộ ông như vậy. Khi về hưu, tôi muốn tìm hiểu thật rõ đó là những điều gì ?

Có lần em tôi bảo tôi: “Anh phải viết về cậu đi !” (Ở nhà, anh em tôi thường gọi cha tôi là cậu ). Đưa cho một người anh lớn tuổi trong dòng họ xem chương đầu viết về đám tang Phan Thanh, đọc xong anh nói: “Chú viết được đấy. Nhưng tôi chưa hình dung ra làm sao chú có thể viết các chương tiếp cho được như thế?”. Đưa bác Vũ Đình Hoè đọc vài chương về những hoạt động của cha tôi, đọc xong bác viết cho tôi: ” Đây là một tài liệu quý; viết khá kỹ một cách khách quan, về một nhân vật đáng mến, đáng kính về nhiều mặt. Tài liệu có giá trị ít nhất là cung cấp sử liệu chính xác cho những ai muốn tìm hiểu phong trào yêu nước đấu tranh công khai “hợp pháp” đòi dân chủ vào những năm trước Đại chiến thế giới lần thứ hai, trong thời cơ Mặt trận bình dân ở Pháp…

Tất cả những lời như trên đã khích lệ, nhắc nhở tôi phải tiếp tục. Lại đi tìm tư liệu, chọn lựa, viết ra, sửa đi sửa lại, viết đi viết lại… vừa viết vừa học, vừa học vừa viết ! Tôi vốn có biết viết sách là gì đâu ? Viết gần hết lại phải bố cục lại; nội dung viết đã khó, phần kết và mở đầu lại càng khó hơn. Thật lạ với tôi: những câu viết cuối cùng lại là lời nói đầu. Một điều lạ nữa : tinh thần tư tưởng sách lược mới của Đảng Cộng sản Đông Dương cho thời kỳ 1936-1939, những dặn dò đơn giản nhưng sâu sắc của Bác về việc viết như dần đã giúp tôi viết được đỡ khó khăn hơn.

Nhân dịp Phan Thanh tròn 100 tuổi ( 1/6/1908- 1/6/2008 ) cuốn: “Phan Thanh, anh là ai?” đã ra đời và có thể tới tay những bạn đọc quan tâm đến Phan Thanh và thời kỳ 1936-1939.

Trong gần mười năm qua, từ khi có ý định cho ra cuốn sách viết về ông, cha tôi luôn sống động bên tôi, tôi luôn thấy ông và không chỉ riêng ông: ông luôn cùng các đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào một thời và mãi mãi của ông hồi đó; luôn cùng bà con gia đình, dòng họ, đồng hương thân thiết của ông.

Càng viết, người viết càng thấy có trách nhiệm rất lớn đối với tất những con người đó, với Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây và Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay. Cuốn sách đã ra đời, nhưng để hoàn thành trách nhiệm trên, để có một hình ảnh chân thực đầy đủ hơn về Phan Thanh, để có một hiểu biết đúng đắn hơn về thời kỳ 1936-1939 và những người cùng thời, tác giả cần và rất mong được sự tiếp tục giúp đỡ của bạn đọc, đặc biệt các nhà sử học và lý luận, của bà con quê hương, của những người trực tiếp hay gián tiếp biết về Phan Thanh. Những tư liệu, những hình ảnh…những nhận xét, góp y, phê bình… là vô cùng quyý giá.

Tác giả xin chân thành cám ơn tất cả các bác, các anh chị và các cháu đã giúp tác giả tiếp cận được đến các tư liệu liên quan, đặc biệt bác Nguyễn Thành, các đồng chí lãnh đạo Cục và cán bộ Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Bảo tàng cách mạng, bà con họ Phan quê hương, anh Sáu Hậu, cháu Nguyễn Thị Thu Hà, cháu Hương Giang…; đã cho những lời nhận xét góp ý thẳng thắn chân thành… rất quý báu đối với người viết; đã sửa giúp một số trang viết.

Tác giả đặc biệt cám ơn bác Nguyễn Thành và cháu Đống Nam đã hoàn thành hai bản thảo đầu trong các năm 2001, 2003. Thương tiếc bác Thành, một người am hiểu rất chuyên sâu về báo chí cách mạng đã qua đời trước khi cuốn sách được hoàn tất.

Cuối cùng người viết xin cám ơn Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia đã tận tình giúp đỡ về nhiều mặt để tác giả có thể hoàn thành nội dung, để cuốn sách có thể sớm ra mắt bạn đọc.

Em tôi có lúc nói với tôi : ” Không biết bây giờ con các bác Huỳnh Văn Trân, Huỳnh Văn Dậu ở đâu? Lúc nào chúng mình tìm và gặp được nhỉ ! “.

Hay! Một cuộc gặp mặt của con cháu các dân biểu Trung Kỳ thời kỳ Mặt trận Dân chủ ! Tại sao không ?

Hà Nội, tháng 5 năm 2008

PHAN VỊNH

Sách "Phan Thanh, anh là ai?"

Bình luận về bài viết này